MỌI THỨ VỀ GIẦY CẦU LÔNG
MỌI THỨ VỀ GIÀY CẦU LÔNG
Chun từng đọc ở đâu đó rằng: "Nếu như có 10 đồng để trang bị đồ nhập môn cầu lông, hãy dùng 7 đồng mua giày, 2 đồng mua vợt và 1 đồng để mua phụ kiện khác". Điều đó chứng tỏ việc mang một đôi giày cầu lông tốt là vô cùng quan trọng và cần thiết. Nó không chỉ bảo vệ đôi chân bạn, hỗ trợ những bước chạy trên sân cầu, mà còn chứng tỏ bạn là người thật sự nghiêm túc với bộ môn đòi sự di chuyển bền bỉ và tốc độ này. Bài này Chun sẽ gửi đến cả nhà những thông tin cơ bản khi chọn mua giày cầu lông nói chung, còn những dòng giày của từng hãng thì Chun sẽ nói riêng vào các bài sau.
Ok, giày cầu lông có 5 phần mà cần chúng ta cần phải để ý khi mua, giày có xịn hoặc đắt tiền đến đâu tùy thuộc vào công nghệ mà các hãng bỏ dô:
Trọng lượng
Mu giày (Upper): toàn bộ phần bảo hộ mu bàn chân.
Kích cỡ chân
Ruột giày (Midsole): tập trung chủ đạo lớp giảm chấn động khi chúng ta bay nhảy.
Đế giày (Outsole): phần tiếp xúc trực tiếp với sân.
1 - TRỌNG LƯỢNG
Cầu lông là bộ môn đầy tốc độ, đòi hỏi chúng ta phải di chuyển nhanh và liên tục. Chính vì thế, một đôi giày cầu lông tốt trước hết là phải có TRỌNG LƯỢNG NHẸ. Nó không chỉ giúp chúng ta di chuyển thanh thoát, tiết kiệm thể lực mà còn giảm nguy cơ chấn thương. Theo hãng thể thao Asics khuyên dùng, đôi giày cầu lông tốt thì không nên nặng hơn 300 gram.
2 - MU GIÀY (Upper)
Ở phần này cần để ý đến 3 thứ: chất liệu, phần mũi, phần cổ.
Chất liệu: đa phần người chơi cầu lông thường bị rách giày ở hai bên má do bị bộ di chuyển của chúng ta kéo lê lết đôi giày. Để hạn chế tình trạng này, mình khuyên nên chọn giày nào có may thêm 1 lớp vải ở 2 bên má và mũi chân. Không nên chọn loại nào có thiết kế thoát khí ở gần 2 ngón cái - ngón út, bạn sẽ quẹt rách ở chỗ thoát khí đó nhanh thôi (Hình 2, Hình 3). Tui bị rồi
Phần mũi: khác với những bộ môn khác, cầu lông thường di chuyển bằng ngón chân thế nên các hãng giày cũng dựa vào đó nghiên cứu phát triển. Giày cầu lông thường có mũi giày hơi nhọn đầu ở ngón chân cái và phần má ngoài hơi bè ra để các đầu ngón chân linh hoạt.
Phần cổ: không nên chọn loại giày cổ cao hơn mắt cá chân để mang khi chơi cầu lông, vì cổ chân bạn sẽ không được thoải mái xoay trở, rất dễ bị lật. Phần đuôi giày (chỗ có logo Yonex ở Hình 4 phía dưới) phải cứng và chắc chắn vì nó sẽ đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ gân achilles của chúng ta.
3 - KÍCH CỠ CHÂN
Nên tự đo chân ở nhà trước khi đến shop mua. Việc nắm được số đo sẽ giúp bạn dễ dàng và tiết kiệm thời gian hơn khi chọn giày vì mỗi hãng đều có thông số giày riêng (như giày Mizuno bự hơn Yonex nửa size). Gửi mọi người cách đo chân ở hình 1 phía dưới.
Giày anh chị mua phải vừa khít thật sự, không quá chật cũng không quá rộng. Nếu có suy nghĩ mua giày chật rồi mang từ từ chờ nó giãn ra hoặc mang rộng cho thoải mái thì đã sai lầm, đôi giày chưa kịp biến đổi thì rộp da chân, thúi móng, nhức khớp ngón chân và lật cổ chân là những chấn thương đang chờ anh chị ở phía trước.
Nên mang vớ khi thử giày và kiểm tra luôn cả 2 chân. Khi thử giày, nên nhón chân lên xem có thoải mái và giày uốn cong theo có mềm mại không, vì phần lớn thời gian chúng ta di chuyển trên sân bằng phần trước của bàn chân.
Anh chị cần phải xác định hình dạng chân của bản thân thuộc chân bè (Wide) hay thon gọn (Narrow), vì mỗi loại đều có dòng giày riêng. Yonex, Victor và Mizuno là các hãng có dòng giày hỗ trợ chân bè khá tốt.
4 - RUỘT GIÀY
Cầu lông đòi hỏi phải bay nhảy, chạy tới lui liên tục chính vì thế việc chọn giày có hỗ trợ lớp đệm hấp thụ chấn động (Cushion) cho chân là điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Nó sẽ hấp thụ trọng lực tác động lên giày đồng thời tạo 1 lực nén hỗ trợ bước di chuyển tiếp theo của bạn. Chun mang loại có Power Cushion thì khi nhảy đập xong, lúc tiếp đất cảm giác có độ nhún bật lên ở phía gót chân (phần tam giác màu vàng ở Hình 5) . Giày có lớp đệm giảm chấn càng nhiều thì chân và đầu gối có tỉ lệ chấn thương càng thấp.
Các hãng giày quảng bá công nghệ đệm giảm sốc, hấp thụ chấn động dưới những cái tên khác nhau:
Yonex: Power Cushion
Victor: Cushion+
Lining: BOUNCE
Asics: Gel
Mizuno: Wave technology
Giá cho các dòng giày có hỗ trợ cộng nghệ giảm chấn này thường đắt phết nhưng lại rất xứng đáng đồng tiền bỏ ra. Yonex đã cho thử nghiệm thả quả trứng xuống lớp thảm Cushion ở độ cao 4 mét và 7 mét và quả trứng đều tưng trở lại không trung, không hề vỡ. Xem video ở đây: https://youtu.be/Cc-RflX7LtA
5 - ĐẾ GIÀY
Đế giày chuyên dụng cho thể thao trong nhà, chạy không để lại dấu. Thường có ghi chữ "Non Marking" ở dưới đế giày để chúng ta dễ nhận biết. Các lớp cắt ở đế phải sâu và cao su phải chắc chắn.
Nên chọn đế có các hình lục giác vì nó sẽ tăng độ bám và có trọng lượng nhẹ hơn so với những đế giày khác (Hình 6).
MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
GIÀY CẦU LÔNG THƯỜNG MANG BỀN BAO LÂU?
Tùy theo tần suất bạn chơi cầu. Nếu đánh với cường độ cao trên 3 buổi/tuần thì có thể mang từ 8 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, miếng lót bàn chân ở bên trong giày thường khá mỏng, rất dễ xẹp và rách. Cứ mỗi 2 tháng bạn nên kiểm tra và thay mới, nếu không thì các đầu ngón chân của bạn sẽ bị nhức khi di chuyển trên sân cầu. Giá cho 1 cặp lót giày bên trong cũng đa dạng, loại bình thường tầm 1xx, còn những loại đắt tiền của Yonex thì có thể lên đến 300k-400k. Chun vừa đặt vài cặp ở anh
giá chừng trăm ngoài, thấy mềm mại và đàn hồi lắm.
MANG GIÀY BÓNG CHUYỀN ĐÁNH CẦU LÔNG CÓ ĐƯỢC KHÔNG?
Giày bóng chuyền trong nhà (Asics, Mizuno) thì có thể chấp nhận được nhưng không khuyến khích bởi vì giày bóng chuyền dĩ nhiên là để chơi bóng chuyền rồi, nó không thiết kế dành cho bộ di chuyển của cầu lông. Một số anh chị lớn tuổi hay có vấn đề với đầu gối thì lại thích chọn giày bóng chuyền vì nó có lớp hấp thụ chấn động dày hơn cầu lông.
GIÀY CẦU LÔNG HIỆU NÀO THÔNG DỤNG?
Yonex, Li Ning, Victor, Mizuno, Kawazaki, Adidas, Asics là những hãng phổ biến ở thị trường Việt Nam. Nike và Bitis không sản xuất giày cầu lông thế nên đừng mang Air Jordan hay Bitis Hunter vô đánh cầu, để chủ sân thấy, họ lấy chổi chà lùa ra ráng chịu
GIÀY CẦU LÔNG CÓ GIẶT ĐƯỢC KHÔNG?
Khác với những loại giày thông thường, giày cầu lông không thể giặt được. Có 3 cách để bảo quản giày, tránh bốc mùi:
Dùng chai xịt giày khử mùi
Để giày ở nơi thoáng khí khi không dùng, tránh để yếm khí ở trong bao vợt suốt thời gian.
Để vào trong giày vài lát chanh hoặc bột baking soda.
CÓ THỂ MANG GIÀY CẦU LÔNG ĐỂ ĐI CHƠI, DẠO PHỐ KHÔNG?
Không vì nó sẽ tổn hại đến phần đế giày, vốn được thiết kế chỉ dành để chạy trên mặt sân thảm cao su hoặc thảm gỗ. Nên thay giày cầu lông khi đã vào sân, tránh mang giày từ ở nhà vì đế giày sẽ dính đất cát và giảm độ bám xuống thảm.
GIÁ CHO 1 ĐÔI GIÀY CẦU LÔNG TỐT THÌ BAO NHIÊU LÀ HỢP LÝ?
Tạm chia theo 4 mức giá như sau:
Dưới 500k: Asia, Thượng Đình huyền thoại. Đánh 3 buổi là vứt giày, vứt luôn chân
500k - 1 triệu: giày bình dân, không hỗ trợ nhiều công nghệ, chủ yếu là có đế giày phù hợp cho đánh cầu mà thôi. Mang đau chân và mau hư. Ở phân khúc này có các dòng thấp của Yonex và Kawazaki, nhưng nếu để chọn thì Chun sẽ chọn Kawazaki, mang bền hơn Yonex.
1 triệu - 2 triệu: giày trung cấp, ở 1 số dòng của Yonex và Mizuno đã có hỗ trợ lớp hấp thụ chấn động, nhưng chỉ có thế, không có nhiều công nghệ khác cũng như ít mẫu mã để chọn. Bạn có thể tham khảo các dòng Power Cushion 36, 56 của Yonex. Dòng Thunder Blade 1-2 của Mizuno.
Trên 2 triệu: với mức chi này thì anh chị đã tiếp cận được dòng cao cấp của các hãng. Thích đôi nào thì bụp. Đơn cử như đôi trong hình của Chun là Power Cushion 65Z2 cảm thấy khá tốt, hiện đang được nhiều vận động viên tin dùng.
BÀI NÀY MỤC ĐÍCH LÀ ĐỂ CHUN KHOE GIÀY CÓ PHẢI KHÔNG?
Xin thưa là không, từ lúc mua con Yonex Power Cushion 65Z2 giá $180 thì làm gì dám khoe với ai
Tư liệu bài viết được thu thập từ nhiều nơi ở trên mạng và có viết theo chủ quan của bản thân nên nếu có điều gì thiếu chính xác, mong mọi người đóng góp, chỉnh sửa.
Nguồn: TRUNG PHẠM